Mãn kinh và các bệnh về da
24/04/2025
7 phút đọc
Nội dung bài
viết
1. Đại cương
Mãn kinh là tình trạng liên quan đến giảm hormon estrogen ở nữ giới, bắt đầu từ 45-55 tuổi. Chẩn đoán mãn kinh khi một người phụ nữ trên 45 tuổi không có kinh nguyệt trong 12 tháng liên tục và không có nguyên nhân gây mất kinh rõ ràng nào khác. Nồng độ estrogen thấp làm ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng sinh lý của da. Receptor estrogen phân bố nhiều ở da, nhất là ở mặt, vùng sinh dục, chân. Do vậy, thời kỳ mãn kinh có những ảnh hưởng nhất định lên da và có liên quan đến các bệnh da thông thường.
2. Những thay đổi sinh lý của da sau mãn kinh
Thượng bì và tuyến bã
Vai trò của estrogen với thượng bì chưa được biết rõ. Một số nghiên cứu chứng minh việc dùng estrogen qua thượng bì (bôi tại chỗ) làm giảm mất nước qua thượng bì và cải thiện chức năng hàng rào da. Giai đoạn tiền mãn kinh, nồng độ estrogen giảm nhưng tỉ lệ androgen/estrogen tăng lên, làm cho tăng kích thước tuyến bã và tăng lượng bã nhờn. Ở giai đoạn sau, tuyến bã bắt đầu giảm tiết, da trở nên khô, ngứa và nhão hơn.
Sử dụng liệu pháp hormon thay thế estrogen và progesteron làm tăng sản xuất chất bã và lipid ở da, làm da bớt khô hơn. Tuy nhiên, dùng estrogen đơn độc có thể làm giảm số lượng, kích thước tuyến bã và làm giảm tiết bã.
Collagen
Sau mãn kinh, lượng collagen giảm nhanh chóng, đặc biệt trong 5 năm đầu (giảm khoảng 30%) và sau đó giảm 2,1% mỗi năm trong 15 năm. Một số nghiên cứu chứng minh thấy estrogen ngoại sinh có thể làm dày collagen ở da phụ nữ mãn kinh nhưng vài nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên khác lại thấy không có sự khác biệt về mức độ lão hóa da (độ nhăn, độ nhão da) giữa nhóm sử dụng liệu pháp hormon thay thế và nhóm giả dược.
Elastin
Elastin giảm sau mãn kinh làm da nhão hơn và tăng nếp nhăn.
3. Các bệnh da thường gặp sau mãn kinh
Cơn nóng bừng mặt
Cơn nóng bừng mặt gặp trong 40% ở giai đoạn tiền mãn kinh và 60-80% giai đoạn đầu mãn kinh và có đáp ứng với estrogen. Nguyên nhân là do giãn mạch máu ở trung bì và mô dưới da. Ngoài ra, việc điều hòa vận mạch cũng kém do giảm estrogen.
Các yếu tố nguy cơ làm dễ xuất hiện cơn nóng bừng mặt hơn gồm có: béo phì, hút thuốc lá, giảm hoạt động thể lực, stress, nồng độ hormon, chủng tộc (Châu Phi), gen.
Cơn nóng bừng mặt thường bắt đầu bởi cảm giác nóng đột ngột ở giữa mặt, sau đó lan tỏa dần. Cảm giác nóng bừng kéo dài từ 2-4 phút, thường có thể kèm theo ra mồ hôi, đánh trống ngực, sau đó ớn lạnh, rùng mình, lo lắng. Tần suất khoảng vài lần/ngày hoặc thưa hơn nhưng cũng có thể hàng giờ. Cơn nóng bừng mặt hay diễn ra vào mùa đông. Cơn nóng bừng mặt thường giảm dần về triệu chứng và hết sau vài năm, tuy nhiên có những trường hợp kéo dài 20 năm.
Khô da, ngứa và viêm da
Biểu hiện ngoài da hay gặp nhất ở phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh là tổn thương dạng chàm như viêm da tiếp xúc, chàm bội nhiễm. Cơ chế chính là do giảm chức năng hàng rào da, làm tăng mất nước qua da. Ngứa cũng liên quan đến khô da.
Trứng cá
Do sự mất cân bằng giữa estrogen và androgen, làm cho androgen trội lên, từ đó có thể xuất hiện trứng cá ở tuổi mãn kinh. Điều trị chủ yếu bằng các thuốc bôi trứng cá thông thường, và liệu pháp kháng androgen như spironolacton, isotretinoin.
4. Các bệnh da liên quan đến mãn kinh
Trứng cá đỏ
Rất ít liên quan giữa trứng cá đỏ và mãn kinh tuy nhiên những cơn nóng bừng mặt do mãn kinh có thể làm khởi phát hoặc nặng lên tình trạng trứng cá đỏ.
Viêm tuyến mồ hôi mủ
Có sự liên quan rõ ràng giữa bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ và các tình trạng cường androgen như trứng cá, rậm lông, chu kì kinh, ở hơn 63% phụ nữ. Sau mãn kinh, viêm tuyến mồ hôi mủ thuyên giảm ở 48% phụ nữ. Tuy nhiên có một nghiên cứu khác trên 279 phụ nữ thì có gần 40% phụ nữ thấy bệnh bùng phát, 44% bệnh nhân ổn định khi mãn kinh.
Hormon đóng vai trò quan trong trong cơ chế bệnh sinh của bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ tuy nhiên cơ chế chính xác chưa rõ ràng.
Vảy nến
Một số báo cáo cho thấy vảy nến có thể thuyên giảm trong thời kì mang thai và bùng phát sau mãn kinh. Giả thuyết được đưa ra là do giảm estrogen, dẫn đến ức chế con đường qua trung gian tế bào Th1.Tuy nhiên, một số nghiên cứu lại thấy tình trạng vảy nến không đổi ở chu kì mãn kinh.
Rám má
Có sự liên quan rõ ràng giữa rám má và estrogen, thấy rõ trong thời kỳ mang thai và dùng thuốc tránh thai. Không có sự liên quan đến mãn kinh tuy nhiên có một số trường hợp khởi phát rám má khi dùng liệu pháp hormon thay thế.
Tăng tiết mồ hôi
Tỉ lệ tăng tiết mồ hôi ở phụ nữ sau mãn kinh tăng lên đáng kể, từ 30% đến 80%. Nguyên nhân chưa rõ ràng, có đáp ứng với liệu pháp hormon thay thế.
Chậm lành thương
Chậm lành thương cũng bị ảnh hưởng bởi tuổi, chủ yếu cũng liên quan đến nồng độ estrogen. Một số nghiên cứu thấy sử dụng estrogen bôi cũng giúp lành lành thương tốt hơn.
5. Tác dụng phụ của liệu pháp hormon thay thế
Các tác dụng phụ toàn thân bao gồm: huyết khối, ưng thư vú, ung thư nội mạc tử cung. Tuy nhiên những nguy cơ này tỉ lệ rất thấp và lợi ích có thể lớn hơn nguy cơ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Những tác dụng phụ trên da gồm có: rậm lông, trứng cá, rụng tóc hói.
Kết luận
Mãn kinh có những ảnh hưởng rõ ràng lên da, chủ yếu liên quan đến việc giảm hormon estrogen. Các biểu hiện rõ ràng sau tuổi mãn kinh là giảm collagen, elastin ở trung bì kèm theo các cơn nóng bừng mặt, các tình trạng khô da và ngứa. Sử dụng liệu pháp hormon thay thế có thể làm giảm và đảo ngược một số thay đổi, tuy nhiên có thể kèm theo tác dụng phụ. Các điều trị khác phụ thuộc vào vấn đề cụ thể trên mỗi bệnh nhân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Edwin D Lephart. Menopause and the Skin: Old Favorites and New Innovations in Cosmeceuticals for Estrogen-Deficient Skin. Dermatol Ther (Heidelb) . 2021 Feb;11(1):53-69. doi: 10.1007/s13555-020-00468-7.
2. C C Zouboulis et al. Skin, hair and beyond: the impact of menopause. Climacteric . 2022 Oct;25(5):434-442. doi: 10.1080/13697137.2022.2050206. Epub 2022 Apr 4.
3. Erin Kamp. Menopause, skin and common dermatoses. Part 2: skin disorders. Clin Exp Dermatol . 2022 Dec;47(12):2117-2122. doi: 10.1111/ced.15308.
4. Phillips TJ et al. Does hormone therapy improve age-related skin changes in postmenopausal women? A randomized, double-blind, double-dummy, placebo-controlled multicenter study assessing the effects of norethindrone acetate and ethinyl estradiol in the improvement of mild to moderate age-related skin changes in postmenopausal women. J Am Acad Dermatol. 2008 Sep;59(3):397-404.e3. Epub 2008 Jul 14.