TĂNG SẮC TỐ SAU VIÊM (POST INFLAMMATORY HYPERPIGMENTATION- PIH)

TĂNG SẮC TỐ SAU VIÊM (POST INFLAMMATORY HYPERPIGMENTATION- PIH)

10/09/2024 9 phút đọc
Nội dung bài viết

1. ĐẠI CƯƠNG

*Khái niệm:

Tăng sắc tố sau viêm (PIH) là tình trạng tăng sắc tố mắc phải, xảy ra sau phản ứng viêm của da với các yếu tố nội sinh và ngoại sinh.

PIH có thể gặp ở mọi chủng tộc, mọi tuýp da, tuy nhiên thường gặp hơn ở người có tuýp da tối màu.

*Cơ chế bệnh sinh:

 PIH là kết quả của việc sản xuất quá nhiều melanin hoặc sự phân tán sắc tố không đều sau khi bị viêm da. Sự gia tăng hoạt động của tế bào hắc tố này được kích thích bởi các cytokin, chemokin (prostanglandin, leucotrien,…) và các chất trung gian gây viêm khác cũng như các gốc oxy hóa được giải phóng trong quá trình viêm.

 2. CHẨN ĐOÁN

2.1. Triệu chứng lâm sàng

 - Tổn thương cơ bản là dát tăng sắc tố, đa dạng về hình dáng và kích thước, xuất hiện tại nơi chấn thương hay viêm trước đó. Theo độ sâu của tổn thương, PIH được phân thành 2 loại:

+ PIH nông (thượng bì):

• Dát màu nâu, nâu đen hay đen.

 • Có thể tự hết sau vài tháng đến vài năm mà không điều trị.

 • Nhìn rõ dưới ánh sáng đèn Wood.

 + PIH sâu (trung bì):

 • Dát màu xanh xám.  

 • Có thể tồn tại vĩnh viễn hoặc tự hết sau một thời gian rất dài không điều trị.

 • Không nhìn rõ dưới ánh sáng đèn Wood.

 - PIH thường xuất hiện sau quá trình viêm trung bình 1-2 tháng. Đa số các trường hợp có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Thời gian trung bình là 6 tháng ở mặt, 1-2 năm ở thân mình, chi trên và 2-4 năm ở chi dưới. PIH ở người trẻ có tiên lượng tốt hơn ở người già, ở thượng bì tốt hơn ở trung bì.

2.2. Cận lâm sàng

- Soi đèn Wood: Giúp đánh giá PIH nông hay sâu

 - Mô bệnh học: Thường không cần thiết cho chẩn đoán, mô bệnh học không đặc hiệu.

+ Thượng bì: quá sản thượng bì, tăng số lượng tế bào hắc tố và tăng lắng đọng melanin.

+ Trung bì: lắng đọng melanin, thâm nhập các đại thực bào sắc tố.

+ Nhuộm Fontana - Masson bạc (+).

 2.3. Chẩn đoán xác định:

- Có phản ứng viêm trước đó

 - Dát tăng sắc tố xuất hiện trên nền tổn thương viêm

 2.4. Chẩn đoán phân biệt:

Tùy thuộc vào vị trí có phản ứng PIH trên cơ thể mà cần phân biệt với các bệnh lý khác nhau.

 3. ĐIỀU TRỊ

3.1. Nguyên tắc điều trị:

- Tránh nắng

- Điều trị tại chỗ

- Điều trị toàn thân

 3.2. Điều trị cụ thể:

 3.2.1. Thuốc bôi

 - Hydroquinone 2-4%:

+ Lựa chọn đầu tay trong điều trị PIH.

 + Cơ chế: ức chế tyrosinase, ngăn chặn sự chuyển đổi DOPA thành melanin.

 - Mequinol: mequinol, 4-hydroxyanisol là các dẫn xuất của hydroquinone.

 + Cơ chế: có thể liên quan đến sự ức chế cạnh tranh của tyrosinase; tuy nhiên con đường chính xác vẫn chưa rõ ràng.

 - Retinoid: tretinoin, adapalen và tazaroten

+ Cơ chế: ức chế sự hình thành melanin bằng cách tăng chu kì đổi mới tế bào gai, giảm quá trình vận chuyển melanosome và ức chế sự dịch mã tyrosinase.

- Acid azelaic:

+ Cơ chế: ức chế có hồi phục với tyrosinase và ức chế tổng hợp DNA và gây độc tế bào có chọn lọc trên tế bào hắc tố tăng hoạt hóa.

- Acid kojic1-4%: được sản xuất bởi nhiều loài nấm (ví dụ: Aspergillus oryzae, Penicillium spp, Acetobacter spp) có tác dụng điều trị PIH theo cơ chế ức chế enzym tyrosinase.

 - Đậu nành: làm giảm PIH thông qua cơ chế ức chế vận chuyển melanin vào tế bào sừng và ức chế tia UVB.

- Arbutin/deoxy-arbutin: một hydroquinon được glycosyl hóa, có tác dụng ức chế cạnh tranh với tyrosinase, ức chế hình thành melanosome nhưng ít gây độc tế bào hơn hydroquinon.

- Acid ascorbic:

+ Cơ chế: ức chế tyrosinase và trung hòa các gốc tự do hay các gốc oxy phản ứng do quá trình viêm sinh ra và ức chế miễn dịch tại chỗ

- Niacinamid: một dạng amid của niacin (vitamin B3).

Cơ chế: ức chế chuyển melanosome đến tế bào gai.

 => Phương pháp bôi là phương pháp chính và hiệu quả trong điều trị PIH. Các thủ thuật khác như laser, lột da nên được cân nhắc thận trọng, chỉ trong các trường hợp kháng trị với các phương pháp thông thường hoặc PIH ở trung bì.

3.2.2. Lột da (peeling)

-  Alpha-hydroxyacids (AHAs): α-Hydroxyacids (AHA) là các acid hữu cơ yếu có trong trái cây, thực vật và đường sữa, gồm có glycolic acid (GA), lactic acid, pyruvic acid, malic acid, tartaric acid, citric acid.

 -  Acid glycolic (GA): là AHAs được sử dụng để peel nhiều nhất có ưu điểm: ổn định, không nhạy cảm ánh sáng, rẻ tiền, an toàn không cần thời gian nghỉ dưỡng.

-  Acid lactic (LA): là cũng là một AHAs có tính chất tương tự GA, hiệu quả peel tốt mà giá thành rẻ và có sẵn.

-  Acid pyruvic: thường dùng dạng gel 40%, mỗi đợt điều trị khoảng 4 - 5 lần, 1 tháng/lần.

 -  Acid mandelic: thường dùng nồng độ 30 - 50%, mạnh hơn GA.

-  Beta-hydroxyacids (BHAs): thường dùng nhất là acid salicylic (SA).

-  Acid trichloroacetic (TCA): Là acid mạnh, pH = 0,26, ít được sử dụng cho tuýp da tối màu và thường peel nông do tăng nguy cơ sẹo và rối loạn sắc tố sau peel. Nồng độ TCA 35% có thể đạt đến nhú trung bì, do đó peel TCA thích hợp cho điều trị tăng sắc tố trung bì và hỗn hợp.

* Laser Laser và IPL có hiệu quả điều trị các tổn thương sắc tố thông qua cơ chế quang nhiệt chọn lọc. Tuy nhiên, một trong những tác dụng phụ của laser là gây ra PIH nên laser ít được chỉ định trong điều trị PIH, chỉ trong các trường hợp kháng trị với các phương pháp thông thường hoặc PIH ở trung bì.

 3.2.4. Chống nắng

- Chống nắng là biện pháp bắt buộc trong điều trị PIH

 - Kết hợp nhiều biện pháp chống nắng khác nhau: Biện pháp cơ học + kem chống nắng

4. PHÒNG BỆNH

 4.1. Đánh giá nguy cơ PIH trước khi làm thủ thuật:

 - Tuýp da tối màu có nguy cơ PIH cao hơn

- Đánh giá tình trạng tăng sắc tố của các tổn thương cũ, sẹo cũ của bệnh nhân

4.2. Dự phòng:

 - Khi quá trình viêm đang xảy ra, tích cực điều trị bệnh lý nền để làm giảm tối thiểu phản ứng viêm.

- Trước khi làm thủ thuật: chống nắng trước và sau khi làm thủ thuật ít nhất 2 tuần.

 - Trong khi làm thủ thuật:

 + Nên có hệ thống làm mát trong quá trình làm thủ thuật laser

+ Lựa chọn năng lượng, mật độ tia phù hợp

 - Sau khi làm thủ thuật: bôi corticosteroid loại mạnh trong thời gian vài ngày sau laser

Viết bình luận của bạn

BOTOX TRONG ĐIỀU TRỊ TĂNG TIẾT MỒ HÔI

Chủ Nhật, 08/12/2024 13 phút đọc

1. Đại cương Tăng tiết mồ hôi (hyperhydrosis) thường được định nghĩa là sự tiết mồ hôi quá mức hay là sự tiết mồ hôi vượt quá... Đọc tiếp

CÁC LOẠI BỚT SẮC TỐ THƯỜNG GẶP

Thứ Bảy, 23/11/2024 5 phút đọc

1. Bớt sắc tố là gì? Bớt sắc tố là một loại tổn thương da lành tính, có thể xảy ra do việc tăng sinh tế bào... Đọc tiếp

DA NHIỄM CORTICOID

Thứ Bảy, 16/11/2024 4 phút đọc

1. Đại cương: Corticoid dùng tại chỗ là một phương pháp điều trị, có từ những năm 1950, rất phổ biến trong các bệnh da liễu. Mặc... Đọc tiếp

DA DẦU MỤN VÀ CÁCH CHĂM SÓC

Thứ Sáu, 01/11/2024 6 phút đọc

1. Thế nào là da dầu?  Da dầu là loại da có tuyến bã nhờn sản xuất lượng dầu quá mức, dẫn đến tình trạng bít tắc... Đọc tiếp

Nội dung bài viết